Còi xương ở trẻ em không phải là một bệnh nguy hiểm, tuy nhiên nếu để kéo dài sẽ gây nên những hậu quả và làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển thể chất cũng như trí não của trẻ. Vì vậy các bậc cha mẹ nên chú ý nhiều đến chế độ dinh dưỡng của trẻ, đặc biệt trong những năm đầu đời.
Bệnh còi xương ở trẻ em là một dạng rối loạn bị gây ra bởi sự thiếu hụt vitamin D, canxi và phosphat. Còi xương xảy ra phổ biến đối với trẻ từ 6 – 24 tháng tuổi, và dẫn đến biến chứng xương mềm và yếu, vóc dáng lùn, chậm mọc răng, đau răng, đau mỏi xương. Trường hợp nặng hơn có thể có một số bất thường về hình dáng của xương sọ, xương ức, hay xương đùi.. các trường hợp nặng do giảm canxi và phosphat gây nên cơn co giật tetany..
Có nhiều dạng còi xương khác nhau như còi xương do thiếu dinh dưỡng, còi xương do chức năng thận, còi xương do thiếu phosphat.
Còi xương do thiếu chất dinh dưỡng
Còi xương do thiếu chất dinh dưỡng hay còn gọi là chứng nhuyễn xương là bệnh xảy ra phổ biến nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ em. Thiếu vitamin D, canxi và phosphat trong khẩu phần ăn hằng ngày, khiến xương thiếu chất dinh dưỡng để phát triển một cách bình thường. Bình thường vitamin D có tác dụng giúp cơ thể hấp thu canxi và phosphat ở ruột và cần thiết cho việc tổng hợp xương từ canxi. Có 2 nguồn bổ sung vitamin D, thứ nhất là ăn uống các thực phẩm giầu vitamin D như các loài cá nước mặn (cá thu, cá chích, cá hồi, cá ngừ, dầu gan cá), thứ hai là tổng hợp tự nhiên ở tế bào da khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời
Trẻ sơ sinh và trẻ em có nguy cơ mắc bệnh còi xương này bao gồm các trẻ sơ sinh có màu da tối, trẻ chỉ bú sữa mẹ, và trẻ được sinh ra bởi phụ nữ thiếu vitamin D. Ngoài ra những trẻ có chế độ dinh dưỡng của người ăn chay, không được tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời có nguy cơ mắc bệnh rất cao.
Còi xương do thiếu phosphat
Đây là bệnh di truyền, gen quy định nằm trên nhiễm sắc thể giới tính X điều hòa việc bài tiết phosphat qua thận. Còi xương do thiếu phốt phát là tình trạng xương trở nên mềm và đau nhức. Trẻ mắc bệnh này vẫn có khả năng hấp thu canxi và phosphat, nhưng phosphat lại bị bài tiết ra ngoài. Bệnh hoàn toàn không liên quan đến sự thiếu hụt vitamin D trong cơ thể. Trẻ mắc bệnh thường sẽ có dấu hiệu và triệu chứng rõ ràng vào khoảng 1 năm tuổi.
Còi xương do chức năng thận yếu
Tương tự với bệnh còi xương do thiếu phốt phát, bệnh còi xương do chức năng thận bị gây ra do rối loạn chức năng thận. Những bệnh nhân mắc bệnh thận, do thận mất khả năng điều hòa điện giải làm mất canxi và phosphat qua nước tiểu. Vì vậy, những trẻ mắc phải tình trạng sẽ mắc các triệu chứng giống hệt trẻ mắc bệnh còi xương do thiếu dinh dưỡng trầm trọng. Để trị bệnh này, trẻ cần được áp dụng cả phương pháp điều trị bệnh thận và cung cấp thêm chất dinh dưỡng như vitamin D, canxi, phosphat.
Phòng ngừa bệnh Còi xương
Để phòng ngừa còi xương cho trẻ, phụ nữ mang thai cũng cần phải chú ý chăm sóc bản thân và cung cấp dưỡng chất đầy đủ trong suốt thai kỳ. Phương pháp phòng bệnh còi xương cho em bé tốt nhất là mẹ bổ sung đầy đủ vitamin D và canxi ngay từ trước khi mang thai cho đến khi ngưng cho bé bú
Đối với trẻ nhũ nhi thì sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng cân bằng và có tỷ lệ Vitamin D cao hơn hẳn tất cả các loại sữa công thức và thực phẩm bổ sung khác. Còn khi trẻ đã ăn dặm thì chế độ dinh dưỡng cần cân đối để đảm bảo bổ sung các chất Canxi, phosphat là nguyên liệu tạo nên bộ khung xương.
Thực hiện một chế độ ăn cân đối và cho trẻ tắm nắng thường xuyên vào buổi sáng cũng là phương pháp điều trị cho trẻ bị còi xương. Ngoài ra có thể bổ sung 400 UI Vitamin D3 hàng ngày cho trẻ. Khi trẻ bị còi xương cần phải được khám và tư vấn bởi chuyên gia Dinh dưỡng Nhi khoa để được hướng dẫn điều trị cụ thể, phù hợp. Tránh tự ý sử dụng thuốc khi chưa có đơn của bác sĩ, gây hại cho trẻ.