Tiêu chảy là bệnh với biểu hiện đi ngoài phân lỏng hơn bình thường, đi nhiều lần (trên 3 lần mỗi ngày). Có thể do nhiều nguyên nhân do vi rút, do bệnh lý đường tiêu hóa…..cũng có thể do dùng thuốc hoặc ăn uống không hợp vệ sinh. Vấn đề là chăm sóc cho bệnh nhân tiêu chảy như thế nào cho đúng cách? Dưới đây là một vài lời khuyên giúp mọi người chăm sóc bệnh nhân tiêu chảy.
1. Bù nước:
Trẻ bị tiêu chảy sẽ gây mất nước kéo dài. Cơ thể thiếu nước sẽ dẫn đến rối loạn điện giải và gây nhiều biến chứng nghiêm trọng. Do đó, bạn cần cho người bệnh uống nhiều nước hơn thường ngày để phòng ngừa mất nước do tiêu chảy. Nên cho người bệnh uống thêm các loại nước như: Nước canh, nước cháo, sữa đậu nành, sữa chua, nước trái cây (cam vắt, không thêm đường), nước dừa tươi, nước (đã đun sôi). Cần tránh các loại nước giải khát có gas, nước ép trái cây quá ngọt, gây khó tiêu, đầy bụng.
2. Ăn uống đầy đủ và chia nhiều lần:
Trong thời gian bị tiêu chảy, cơ thể người bệnh rất mệt mỏi và chán ăn. Khi chăm sóc cần chú ý chế biến các món ăn dưới dạng lỏng, dễ ăn, dễ tiêu, mềm như: Súp, cháo (cháo thịt gà, thịt lợn nạc nấu với cà rốt)… cho bệnh nhân ăn chậm, ăn nhiều bữa nhỏ, nếu người bệnh buồn nôn, nôn. Khoảng cách giữa các bữa ăn khoảng 2 giờ/lần. Không nên để người bệnh nhịn ăn, vì có thể dẫn đến hạ đường huyết, cơ thể suy nhược càng khiến cho người bệnh mệt mỏi hơn. Thức ăn phải được nấu chín, sử dụng nước sạch, thực phẩm sạch, có nguồn gốc rõ ràng và được bảo quản đúng quy cách, rửa tay trước khi chuẩn bị thức ăn để đảm bảo vệ sinh.
3. Cho uống oresol đúng liều lượng
Bệnh tiêu chảy gây mất nước và muối nhiều, làm cho người bệnh nhanh suy kiệt, nên phải bù nước và muối kịp thời. Cách bù nước và muối tốt nhất và dễ thực hiện nhất tại nhà là cho uống dung dịch Oresol. Quan trọng nhất là phải pha oresol đúng liều thì mới có tác dụng điều trị tốt nhất. Khi chăm sóc cần tuyệt đối tuân theo đúng hướng dẫn về cách pha và cách sử dụng được ghi trên nhãn.
4. Cần đưa người bệnh đi khám khi nào?
Tiêu chảy thường giảm sau 5 – 12 ngày, người bệnh có thể tự ăn uống được và lúc này cần cho ăn thêm mỗi ngày một bữa, trong ít nhất 2 tuần để phục hồi sức khỏe. Tuy nhiên, một số ít trường hợp bị tiêu chảy có diễn biến phức tạp. Trong thời gian chăm sóc tại nhà, nếu người bệnh xuất hiện các dấu hiệu như: Sốt cao, phân có lẫn máu, nôn nhiều, khát hoặc rất khát, tình trạng bệnh không đỡ 2 ngày điều trị… thì cần nhanh chóng đưa người bệnh đi khám để được chăm sóc và điều trị kịp thời.